Cây trồng biến đổi gene và tương lai ở Việt Nam
Mặc dù tổng diện tích trồng thực vật biến đổi gene tăng lên theo từng năm và cung cấp thêm nhiều lương thực đáp ứng nhu cầu của nhân loại, thực vật biến đổi gene vẫn là đề tài gây tranh cãi trên toàn thế giới. Cây trồng biến đổi gen (Genetically Modified Crop - GMC) là những cây mà vật liệu di truyền của chúng được biến đổi theo ý muốn chủ quan của con người nhờ những công nghệ sinh học hiện đại, hay còn gọi là công nghệ gene. GMC đã xuất hiện cách đây hai thập kỷ. Trong kỹ thuật biến đổi gene, người ta có thể thêm hoặc bỏ bớt gene. Nếu thêm gene vào một sinh vật nào đó, người ta thường chọn gene từ loài khác. Để làm được việc đó người ta có thể “gắn” gene ngoại lai vào một virus rồi đưa vào tế bào vật chủ, hoặc đưa DNA ngoại lai vào nhân của tế bào bằng ống tiêm. Một số chủng vi khuẩn cũng có thể chuyển gene vào tế bào và giới khoa học đã tận dụng chúng để tạo ra GMC. Theo Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (IPONRE), cây thuốc lá biến đổi gene là GMC đầu tiên được trồng thử nghiệm trên đồng ruộng. Các nhà khoa học gây biến đổi gene ở cây thuốc lá để chúng kháng thuốc diệt cỏ, rồi trồng thử nghiệm tại Mỹ và Pháp vào năm 1986. Một thập kỷ sau đó cây trồng biến đổi gene bắt đầu được trồng đại trà với mục đích thương mại. Những cây xúp lơ biến đổi gene. (Ảnh: Flickr) Cùng với sự phát triển mạnh mẽ, GMC cũng trở thành chủ đề gây tranh cãi trên phạm vi toàn cầu. Thực tế cho thấy GMC mang đến nhiều lợi ích - như làm tăng nguồn cung lương thực và giảm chi phí sản xuất, bảo tồn đa dạng sinh học, tăng thu nhập cho người nghèo, giảm tác hại của hoạt động sản xuất nông nghiệp đối với môi trường, hạn chế tác hại của biến đổi khí hậu. Song một bộ phận giới khoa học lo ngại chúng có thể gây nên những nguy mà con người chưa biết - như tăng nguy cơ dị ứng, làm nhờn kháng sinh, gây độc cho cơ thể người. Mỹ, Canada và các nước đang phát triển tại châu Phi, châu Mỹ Latinh, châu Á ủng hộ việc sử dụng GMC. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) tỏ ra thận trọng trong việc cấp phép gieo trồng GMC và trao đổi thực phẩm có nguồn gốc từ GMC trên thị trường. Đa số nước thành viên trong EU không nhập thực phẩm biến đổi gene từ bên ngoài. Từ năm 1996 đến 2008, số nước trồng GMC đã lên tới con số 25 và tổng diện tích trồng GMC trên toàn thế giới lên 73,5 lần (từ 1,7 triệu ha năm 1996 lên 125 triệu ha năm 2008), theo IPONRE. Một báo cáo của Liên minh châu Âu, được công bố vào năm 2007, dự đoán rằng tới năm 2015, hơn 40% số cây trồng biến đổi gene trên thế giới sẽ được trồng tại châu Á. Tại Việt Nam, cây trồng biến đổi gene đã được đưa vào thử nghiệm trong 5 năm qua. Tháng 8/2009, một hội nghị bàn về tương lai của việc trồng đại trà cây biến đổi gene được tổ chức để bàn về khả năng trồng, thương mại hóa và quản lý các rủi ro có thể xảy ra khi sử dụng cây trồng đổi gene. Trang tin của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia cho hay, Bộ Nông nghiệp và phát tiển nông thôn đã cho phép các tập đoàn lớn của thế giới về cây trồng biến đổi gen nhập sản phẩm vào nước ta để khảo nghiệm trên diện rộng và bước đầu cho kết quả khá suôn sẻ đối với cây ngô. Trên thế giới các cây GMC được trồng nhiều nhất là ngô, đậu tương, cây bông vải và cây cải dầu. Kết quả khảo nghiệm, theo Bộ Nông nghiệp, là suôn sẻ, và vì vậy Việt Nam sẽ đề nghị trồng đại trà từ năm 2012. Hôm nay, Liên hiệp các tổ chức khoa học công nghệ sẽ tổ chức hội thảo bàn về chủ đề này. GMC mang đến nhiều lợi ích rõ ràng, nhưng các nhà khoa học cho rằng còn nhiều ảnh hưởng tiềm tàng đến sức khỏe của con người cần được tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi sử dụng đại trà. |
Theo Vnexpress |
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét