Tê giác tại Việt Nam đã tuyệt chủng?
Dấu vết cuối cùng
Trải qua 20 năm sau ngày chính thức công bố tê giác tồn tại ở Cát Tiên, đến nay không ai dám khẳng định chắc chắn rằng tê giác còn hay mất. Điểm chung của tất cả những người quan tâm đến loài vật này là nỗi lo sợ đến một ngày tê giác chính thức bị tuyệt chủng tại Việt Nam.
Đừng để thế hệ trẻ biết đến tê giác qua những bộ xương mẫu vật.
Những thông tin gần đây cho thấy điều đó ngày càng có cơ sở, bởi hơn 1 năm rưỡi qua không có bất cứ dấu vết nào của tê giác được tìm thấy. Sau nhiều tháng truy tìm không có tung tích tê giác, tháng 4.2010, đội tuần tra tê giác Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên phát hiện xác chết của một cá thể.
"Tất cả cán bộ VQG hết sức buồn bã, mất ăn mất ngủ. Chúng tôi tiếc mình không phát hiện nó sớm hơn, biết đâu đã cứu được con vật quý giá", anh Nguyễn Huỳnh Thuật, cán bộ VQG, một trong những người tìm ra xác tê giác cho biết.
Kết luận của các Viện Nghiên cứu khắp cả nước đều có nhận định chung là con tê giác này có thể đã chết do thợ săn. Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã gửi mẫu vật ra nước ngoài nghiên cứu. Phòng thí nghiệm của WWF cho rằng con vật có thể chết vì quá căng thẳng. Vết thương ở chân sau chỉ là một phần nguyên nhân.
"Dù nguyên nhân cái chết như thế nào đi chăng nữa thì đó cũng là dấu vết sau cùng mà chúng tôi có được. Các đội tuần tra tê giác vẫn liên tục hoạt động, cả đặt bẫy ảnh nhưng tín hiệu của tê giác vẫn bặt tăm" - ông Trần Văn Thành - Giám đốc VQG Cát Tiên lo lắng.
Vì sao nên nỗi?
Theo thông tin chúng tôi có được từ WWF Việt Nam thì cơ hội để tìm thấy các cá thể tê giác ở VQG Cát Tiên gần như không còn. Theo đó, WWF đang hoàn tất, củng cố hồ sơ cuối cùng để tổ chức họp báo nói rõ về số phận tê giác tại Việt Nam trong tháng 10 tới. Ông Lưu Mạnh Hào - Hạt phó Hạt Kiểm lâm Cát Tiên cho biết, lực lượng kiểm lâm quá mỏng, sức hút của tê giác lại quá lớn, nên các đối tượng xấu liên tục tấn công. Mỗi năm, Hạt thu được hàng trăm súng săn các loại, bắt hàng chục đối tượng xâm nhập rừng trái phép để đi tìm tê giác.
Theo Giáo sư Đặng Huy Huỳnh - Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, tê giác là loài vật kiếm ăn, uống nước rất chọn lọc. Nguồn nước uống của nó phải có chất khoáng, tuy nhiên khu vực này đã bị thu hẹp rất lớn khi con người mở rộng phạm vi sinh sống. Gần đây có một dự án thủy điện đang chuẩn bị xây dựng, nếu vậy, nguồn nước khoáng cho tê giác sẽ chính thức bị xóa sổ.
Hy vọng mong manh
Những cuộc tìm kiếm tê giác trong tự nhiên tại VQG Cát Tiên vẫn tiếp diễn. Họ tin rằng ở đâu đó trong những cánh rừng già vẫn còn những cá thể, thậm chí quần thể tê giác đang sinh sống nhưng chưa thấy. Bảo vệ ý kiến của mình, Giáo sư Đặng Huy Huỳnh cho hay những hình ảnh tư liệu ghi lại từ năm 2002 - 2005 chứng tỏ có 1 quần thể lớn. Trong số đó có 2 con non nên không thể vì trong một thời gian ngắn mất dấu đã vội đưa ra kết luận tuyệt chủng. "Tê giác sống tại Cát Tiên hàng trăm năm mà đến tận năm 1991 mới được phát hiện, điều này chứng tỏ chúng ẩn mình rất giỏi" - GS Huỳnh nhận định.
Đội tuần tra tê giác tại VQG Cát Tiên cũng hoạt động hết công suất. Mỗi tháng hai chuyến tuần tra rừng được tiến hành, đội này trở về đội khác ngay lập tức lên đường. Tất cả đều cùng hy vọng tê giác vẫn còn để tiến hành công tác bảo tồn, gìn giữ cho những thế hệ con cháu mai sau.
Triển lãm chống buôn bán động vật hoang dã
Trong 2 ngày 23 và 24.9, tại Công viên Gia Định (TP.Hồ Chí Minh) và Công viên Hòa Bình (Hà Nội) đang diễn ra cuộc triển lãm kêu gọi chống nạn buôn bán động vật hoang dã do Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên thực hiện. Triển lãm nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ động vật hoang dã và kêu gọi người dân Việt Nam tham gia chống nạn buôn bán động vật hoang dã, đồng thời khuyến khích người xem tham gia.
Hòa Bình
Đình Thức
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét