in to roi | phat to roi

Cách viết bài báo khoa học cho các tạp chí Quốc tế


Blog sinh học: Qua kinh nghiệm cá nhân và tiếp xúc với các đồng nghiệp trong nước, tác giả cho rằng một phần của vấn đề là do các nhà khoa học nước ta thiếu kỹ năng phân tích dữ kiện và kỹ năng thông tin (communication skill). Đại đa số các tạp chí khoa học quốc tế đều sử dụng tiếng Anh để truyền đạt thông tin. Đó là một trở ngại lớn vì có nhiều nhà khoa học nước ta chưa quen với tiếng Anh, và ngay cả đối với các nhà khoa học thạo tiếng Anh, thì họ lại thiếu kỹ năng viết bài báo khoa học. Bài viết này chỉ bàn đến kỹ năng thông tin, mà cụ thể là viết một bài báo khoa học, nhằm chia sẻ một số kinh nghiệm với các đồng nghiệp và bạn trẻ trong nước.


Tại sao phải công bố báo cáo khoa học?

Trong hoạt động NCKH, các bài báo khoa học đóng một vai trò rất quan trọng. Nó không chỉ là bản báo cáo về một CTNC, mà còn là một đóng góp cho kho tàng tri thức của thế giới. Khoa học tiến bộ cũng nhờ một phần lớn vào thông tin từ những bài báo khoa học, bởi vì qua chúng mà các nhà khoa học có dịp trao đổi, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Một CTNC thường được tài trợ từ các cơ quan nhà nước, và số tiền này là do dân chúng đóng góp. Khi tiến hành nghiên cứu, nhà nghiên cứu có khi phải nhờ đến sự tham gia của tình nguyện viên hay của bệnh nhân. Trong trường hợp đó, tình nguyện viên và bệnh nhân phải dành thời gian để tự nguyện cung cấp thông tin và có khi hy sinh một phần xương máu cho nhà nghiên cứu. Nếu một CTNC đã hoàn tất mà kết quả không được công bố, thì CTNC đó có thể xem là có vấn đề về y đức và đạo đức khoa học, và nhà nghiên cứu có thể xem như chưa hoàn thành nghĩa vụ của mình với sự đóng góp của quần chúng. Do đó, báo cáo khoa học trên các diễn đàn khoa học quốc tế là một nghĩa vụ của nhà nghiên cứu, là một cách gián tiếp cảm ơn sự đóng góp của bệnh nhân và giúp đỡ của dân chúng qua sự quản lý của nhà nước.

Đối với cá nhân nhà khoa học, bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học quốc tế là một “currency”. Đó là những viên gạch xây dựng sự nghiệp của giới “khoa bảng”. Tại các đại học ở phương Tây, số lượng và chất lượng bài báo khoa học là tiêu chuẩn số một trong việc xét đề bạt, lên chức. Vì thế, việc công bố báo cáo khoa học đối với giới “khoa bảng” Tây phương là một ưu tiên hàng đầu của họ. Chính vì thế mà ở đó có văn hóa “publish or perish” (xuất bản hay là tiêu tan). Nếu trong vòng 1 hay 2 năm mà nhà khoa học không có một bài báo nào đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế, ban giám hiệu sẽ mời vị đó trả lời câu hỏi “tại sao”. Nếu không có lý do chính đáng thì người đó có thể bị mất chức.

Như vậy, báo cáo khoa học trên các diễn đàn khoa học quốc tế là một việc làm chính yếu, một nghĩa vụ và một điều kiện để tồn tại của một nhà khoa học. Nhưng từ lúc tiến hành nghiên cứu, thu thập dữ kiện đến lúc có báo cáo là một quá trình gian nan. Một công việc còn gian nan hơn nữa là làm sao đảm bảo báo cáo được đăng trên một tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới. Vì thế, các nhà khoa học cần phải đặc biệt chú ý đến việc soạn thảo một bài báo khoa học sao cho đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bài viết này sẽ chỉ ra một cách thân mật những “mẹo” và kỹ năng để đạt tiêu chuẩn đó.

Bài báo khoa học: khổ hạnh

Mỗi bài báo khoa học là một công trình khổ hạnh. “Khổ hạnh” ở đây phải được hiểu theo nghĩa vừa đau khổ, vừa hạnh phúc. Đau khổ trong quá trình chuẩn bị và viết thành một bài báo và hạnh phúc khi nhìn thấy bài báo được công bố trên một tạp chí có nhiều đồng nghiệp đọc và chia sẻ. Để đạt kết quả sau cùng này, tác giả phải phấn đấu làm sao để giữ được sự cân bằng giữa tính trong sáng với nội dung (phải đầy đủ). Bài báo phải được viết bằng một văn phong cực kỳ súc tích, nhưng phải đầy đủ, làm sao hấp dẫn được người đọc và để người đọc “nhập cuộc”. Đó là những yêu cầu rất khó mà không phải tác giả nào cũng đạt được.

Nếu không tiếp cận vấn đề một cách có hệ thống, tất cả những nỗ lực cho một bài báo khoa học có thể trở nên vô dụng, thậm chí đem lại ảnh hưởng xấu vì một CTNC sẽ không có cơ hội xuất hiện trên các tạp chí chuyên ngành. Mặc dù ở các nước phương Tây, người ta đã có nhiều bài viết chỉ dẫn – thậm chí có cả sách dạy – cách viết một bài báo khoa học, nhưng ở nước ta, hình như vẫn chưa có một tài liệu chỉ dẫn nào như thế.

Vạn sự khởi đầu nan…

Viết một bài báo tốt là một việc làm không đơn giản chút nào, nếu không muốn nói là phức tạp. Nó đòi hỏi người viết phải sáng tạo và suy tưởng… trong lặng lẽ. Con đường dẫn đến một sản phẩm hoàn hảo không bao giờ là một con đường thẳng, mà là một con đường với nhiều ngõ ngách, nhiều đường cùng và nhiều chông gai. Nói một cách ngắn gọn, viết cần phải có thời gian. Thành ra, cách tốt nhất là phải khởi công viết càng sớm càng tốt, đừng bao giờ để cho đến giai đoạn cuối của nghiên cứu mới viết. Tác giả có thể viết ngay những phần cần viết ra của bài báo trong khi CTNC vẫn còn tiến hành. Phác họa ra phần dẫn nhập (introduction) ngay từ khi CTNC đang được thai nghén. Viết phần phương pháp (methods) ngay trong khi CTNC còn dở dang. Làm đến đâu, viết ngay đến đó. Sau cùng là một phác họa những biểu đồ, bảng thống kê cần phải có trong bài báo. Việc sớm viết ra những ý tưởng và phương pháp giúp rất nhiều cho nhà nghiên cứu trong những lần sửa chữa sau này. Chẳng hạn như: làm sáng tỏ động cơ và lý do nghiên cứu trong phần dẫn nhập giúp cho nhà nghiên cứu nhận ra bối cảnh mà CTNC có thể đóng vai trò. Viết ra những phương pháp nghiên cứu giúp cho nhà nghiên cứu khỏi phải tốn công xây dựng lại những bước đi, những thủ tục mà CTNC đã hoàn tất. Việc phác thảo ra những biểu đồ và bảng số liệu giúp cho nhà nghiên cứu tập trung vào nỗ lực phân tích dữ kiện. Và quan trọng hơn hết, những việc làm đó tạo cơ hội cho (hay nói đúng hơn là bắt buộc) nhà nghiên cứu phải suy nghĩ nghiêm túc về việc làm của mình.

Một điều quan trọng khác là tác giả cần phải bỏ ra một thời gian tĩnh tâm suy nghĩ về thông điệp của CTNC cho cộng đồng khoa học. Trong phần này, tác giả nên viết ra những điểm chính nhằm trả lời các câu hỏi: tại sao làm? thực tế đã làm gì? phát hiện điều gì mới lạ? có ý nghĩa gì?

Tập trung vào những thông tin chính

Mặc dù thành phần độc giả của các tạp chí khoa học có thể rất đa dạng, nhưng đều có một đặc tính chung là bận rộn. Giới khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo… có lẽ chỉ nhìn qua bài báo khoa học một cách nhanh chóng, chứ ít khi có thì giờ nghiền ngẫm từng chi tiết trong bài báo. Tuy rằng phần lớn tác giả nghiên cứu biết điều này, nhưng họ có thể không nghĩ đến khi đặt bút viết bài báo khoa học. Do đó, tác giả nên tự đặt mình vào vai trò của người đọc và suy nghĩ như người đọc bằng cách chú ý đến những gì mà người đọc muốn tìm hiểu: tựa đề bài báo, bản tóm tắt (abstract), những bảng số liệu và biểu đồ.

Phác thảo một cách hệ thống

Tiếp cận và phác họa cấu trúc của một bài báo trước khi đặt bút viết sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho tác giả sau này. Bước đầu tiên đòi hỏi tác giả phải biết tạp chí mà mình muốn gửi bài báo, bởi vì mỗi tạp chí có những yêu cầu khác nhau về hình thức cũng như nội dung. Một khi đã xác định được tạp chí sẽ đăng bài, tác giả cần phải xem qua phong cách và hình thức bài báo mà tạp chí đó quy định. Đặc biệt là phải xem qua các bài báo đã được công bố trên tạp chí đó, như số lượng chữ là bao nhiêu, biểu đồ phải trình bày như thế nào, bảng số liệu phải viết ra sao, trình bày phần tài liệu tham khảo theo cách gì… Phần lớn các tạp chí y khoa và sinh học đều tuân thủ theo các quy định được công bố trong tài liệu Uniform Requyrements for Manuscripts Submitted to Biomedical Journals.

Có nhiều “chiến lược” để thu hút người đọc theo dõi bài báo của mình. Cách tốt nhất và hiệu quả nhất có lẽ là ngắn gọn. Không nên nhầm lẫn giữa sự phức tạp với tính tinh vi. Câu văn cần phải ngắn gọn, đơn giản, nhưng chính xác và trực tiếp đi thẳng vào vấn đề. Cũng cần phải nhận thức rằng, có được một bài báo khúc chiết như thế không phải là điều dễ dàng chút nào – nó đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian và suy nghĩ. Một bài báo khoa học hay cần phải được cấu trúc gọn gàng. Mỗi đoạn văn cần phải có một mục đích hay nói lên được một ý tưởng. Mỗi câu văn phải phục vụ cho mục đích đó. Các đoạn văn phải liên kết với nhau thành một chuỗi ý tưởng phản ánh lý luận cho một thông điệp nào đó. Cấu trúc mà các tạp chí y khoa và sinh học thường sử dụng cho một bài báo là: dẫn nhập, phương pháp, kết quả và thảo luận. Cấu trúc này còn được gọi là IMRAD (Introduction Methods Results And Discussion).

Dẫn nhập

“Nhiệm vụ” thiết yếu nhất trong phần dẫn nhập là phải làm cho người đọc tiếp nhận bài báo và quan tâm đến kết quả của CTNC. Hơn nữa, phần dẫn nhập còn giúp cho người biên tập bài báo hay tổng biên tập tạp chí thẩm định tầm quan trọng của nó. Trong phần dẫn nhập, tác giả phải nói rõ tại sao CTNC ra đời và tại sao người đọc phải quan tâm đến công trình đó.

Phương pháp

Phần phương pháp phải cung cấp một cách chi tiết những gì tác giả đã làm và làm như thế nào trong CTNC. ở đây, tác giả phải cẩn thận quân bình giữa hai nhu cầu: súc tích (vì không thể mô tả tất cả các kỹ thuật với những chi tiết chi li) và đầy đủ (tác giả phải trình bày đầy đủ thông tin sao cho người đọc biết được những gì đã làm). Đạt được sự cân đối giữa súc tích và đầy đủ là một thách thức đối với người viết, và có thể đối với cả người biên tập và nhà xuất bản. Phần phương pháp cần phải cung cấp cho người đọc những thông tin liên quan đến tính khái quát hóa (chẳng hạn như đối tượng nghiên cứu là ai, có tiêu chuẩn nào tuyển chọn đối tượng hay không, hay cách thức chọn mẫu như thế nào…). Có thể bài báo đề ra một phương pháp mới, và trong trường hợp đó, tác giả cần phải chú ý những tên gọi (và ý tưởng) xuất hiện nhiều lần trong bài báo. Tác giả nên suy nghĩ kỹ về những tên gọi này: phải dùng chữ ngắn gọn mà dễ hiểu. Kinh nghiệm người viết bài này cho thấy, trước khi viết cần phải liệt kê ra danh sách những từ hay sử dụng trong bài báo. Không có gì làm người đọc lẫn lộn và khó chịu hơn là việc dùng nhiều từ khác nhau để gọi tên một hiện tượng!

Một cấu trúc cứng nhắc sẽ làm cho phần phương pháp trở thành máy móc. Nhưng đó lại là cấu trúc mà các tạp chí y khoa đòi hỏi các nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên. Trong cấu trúc này, tác giả phải viết dưới các tiêu đề như khái quát, nơi làm nghiên cứu, tiêu chuẩn tuyển chọn đối tượng, chỉ tiêu chính, chỉ tiêu phụ của nghiên cứu, cách đo lường, phương pháp phân tích dữ kiện…

Trong các nghiên cứu khác, tác giả có thể tự mình sáng tạo ra những tiêu đề thích hợp với CTNC. Ngay cả nếu tác giả sau này phải xóa bỏ các tiêu đề này thì bố cục của chúng cũng giúp ích cho tác giả rất nhiều. Có thể dùng một biểu đồ như là một cách mô tả quy trình nghiên cứu (chẳng hạn như thiết kế, tuyển chọn bệnh nhân và phân tích dữ kiện). Nếu cần, tác giả có thể thêm phần phụ lục để cung cấp chi tiết về phương pháp phân tích, mã (codes) dùng trong máy tính, hay phương pháp thu thập dữ kiện cùng phương pháp đo lường (đây là những phương pháp có thể giúp cho người duyệt bài hay người đọc có thể lặp lại thử nghiệm).

Kết quả

Phần kết quả phải được viết một cách ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề nêu ra trong phần dẫn nhập. Tác giả phải trả lời cho được câu hỏi: đã phát hiện gì? Cần phải phân biệt rõ đâu là kết quả chính và đâu là kết quả phụ. Phần kết quả phải có biểu đồ, bảng số liệu và những dữ kiện này phải được diễn giải một cách ngắn gọn trong văn bản. Những số liệu này phải lần lượt trả lời các mục đích mà tác giả đã nêu ra trong phần dẫn nhập. Tất cả các bảng thống kê, biểu đồ và hình ảnh phải được chú thích rõ ràng; tất cả những ký hiệu phải được đánh vần hay chú giải một cách cụ thể để người đọc có thể hiểu được ý nghĩa của những dữ kiện này. Trong phần kết quả, tác giả chỉ trình bày sự thật và chỉ sự thật (facts), kể cả những sự thật mà nhà nghiên cứu không tiên đoán trước được hay những kết quả “tiêu cực” (ngược lại với điều mình mong đợi). Trong phần kết quả, tác giả không nên bình luận hay diễn dịch những kết quả này cao hay thấp, xấu hay tốt, vì những nhận xét này sẽ được đề cập đến trong phần thảo luận.

Thảo luận

Đối với đa số các nhà nghiên cứu, đây là phần khó viết nhất vì nó không có một cấu trúc cố định nào cả. Nói một cách ngắn gọn, trong phần này, tác giả phải trả lời câu hỏi: những phát hiện này có nghĩa gì? Tuy không phải theo cấu trúc cố định nào, nhưng các tác giả có kinh nghiệm thường viết phần thảo luận theo cấu trúc sau: (a) giải thích những dữ kiện trong phần kết quả; (b) so sánh những kết quả này với các nghiên cứu trước; (c) bàn về ý nghĩa của những kết quả; (d) chỉ ra những ưu điểm và khuyết điểm của CTNC; (e) sau cùng là một kết luận sao cho người đọc có thể lĩnh hội được một cách dễ dàng.

Trong phần thảo luận, tác giả phải giải thích, hay đề nghị một mô hình giải thích, tại sao những dữ kiện thu thập được có xu hướng đã quan sát trong cuộc nghiên cứu. Nếu không giải thích được thì nhà nghiên cứu phải thành thật nói không biết. Tác giả còn phải so sánh với kết quả của những nghiên cứu trước và giải thích tại sao chúng khác nhau hoặc giống nhau, và ý nghĩa của chúng là gì. Ngoài ra, nhà nghiên cứu còn phải có trách nhiệm tự mình vạch ra những thiếu sót, trắc trở, khó khăn cùng những ưu điểm của CTNC, cũng như đưa ra các giải pháp khắc phục hay đề xuất hướng nghiên cứu trong tương lai.

Hỗ trợ từ đồng nghiệp

Những bài báo khoa học có giá trị thường là những bài báo đã được xem xét và duyệt đi duyệt lại nhiều lần, kể cả những lần phản hồi (response) hay phản biện lại những phê bình của những người bình duyệt. Điều này đòi hỏi bài báo, trước khi gửi đến một tạp chí, phải được các đồng nghiệp nội bộ đọc và phê bình. Tác giả không nên ngần ngại tiếp nhận những phê bình gay gắt từ đồng nghiệp. Để làm việc này, tác giả cần phải có một danh sách những đồng nghiệp có thể duyệt bài. Những đồng nghiệp này không hẳn phải là những tên tuổi lớn mà có thể là nghiên cứu sinh. Thật ra, các giáo sư ít khi có thì giờ đọc kỹ; chính các nghiên cứu sinh hay đồng nghiệp cấp thấp thường là những người có khả năng và có thì giờ chăm chú, có động cơ để cho ý kiến một cách nghiêm chỉnh. Có hai nhóm đồng nghiệp có thể làm người duyệt bài trước khi gửi đăng tạp chí:

- Những người bình duyệt chung, nhiệm vụ chính của họ là xem xét cách viết của tác giả có dễ hiểu hay không. Bất cứ ai, kể cả những người không cùng chuyên môn, cũng có thể là người duyệt bài trong nhóm này, nhưng người duyệt bài lý tưởng nhất là người có nỗ lực suy nghĩ cẩn thận.

- Những người bình duyệt có cùng chuyên môn, nhiệm vụ của họ là giúp tác giả chuẩn bị để đối phó với những người bình duyệt của tạp chí và ban biên tập. Trong nhóm này, tác giả cần một hay hai thành viên trong cùng chuyên môn và có khả năng “soi mói” chi tiết hay nêu ra những sai sót của bài báo hay CTNC (chẳng hạn như nghiên cứu có đúng phương pháp không, diễn dịch có logic không, kết luận có đi ra ngoài dữ kiện không…). Trong nhóm này, người duyệt lý tưởng là một người “khó tính” sẵn sàng nói thẳng với tác giả những gì họ nghĩ, thậm chí không mấy có cảm tình với ý tưởng của tác giả.

Cải tiến

Muốn trở thành một tác giả khoa học tốt cần phải có thời gian. Một bài báo khoa học thường nhằm vào một vấn đề hẹp. Nhưng tác giả phải có một cái nhìn rộng và lớn hơn khi đọc bài báo của mình. Cần phải đặt bài báo và kết quả nghiên cứu vào một bối cảnh lớn hơn để thấy thành quả ra sao hay những gì cần phải làm tiếp trong tương lai. Nhiều tác giả thiếu kiên nhẫn vì họ chỉ muốn gửi bài báo đi càng sớm càng tốt, nhưng đó không phải là một hành động có hiệu quả cao. Do đó, điều thứ nhất là không nên hấp tấp trong khi viết. Sau khi viết xong bản thảo, có thể để đó vài ngày hay vài tuần. Sau đó, đọc lại và xem xét những chi tiết nào cần thêm hay cần bỏ đi. Đọc đi đọc lại với một cách nhìn mới để xem có gì cần phải phân tích thêm hay không, hay cách diễn dịch số liệu có hợp lý hay không. Kiểm tra lại cách viết và các đoạn văn có ăn khớp với nhau hay không, câu văn có trôi chảy hay không… Sau đó là xem xét đến những chi tiết. ở đây có 2 điểm quan trọng cần phải để ý là: thứ nhất, kiểm tra tính nhất quán (cả số liệu hay dữ kiện và các chú thích phải nhất quán với văn bản, bảng thống kê và biểu đồ); thứ hai, loại bỏ “nhiễu” – tức là những điểm lặp đi lặp lại hay những điểm làm cho người đọc sao lãng thông điệp chính trong bài báo. Có khi cần phải kiểm tra từng chữ một xem nó có thích hợp với mục đích của bài báo hay không. Tránh dùng những từ tối nghĩa, những biệt ngữ khó hiểu, hay những viết tắt mà người ngoài chuyên môn chưa quen biết.

Một bài báo thường phải qua bình duyệt từ ban biên tập của tạp chí. Nếu tạp chí cho tác giả cơ hội trả lời những phê bình này, đó là một bước tiến tích cực. Tuy nhiên, việc trả lời những phê bình của ban biên tập không phải lúc nào cũng là việc làm thoải mái, dù sau khi phản biện thì bài báo sẽ tốt hơn. Trong khi trả lời phê bình, điều tối quan trọng là không nên có thái độ quá chống chế, hay quá công kích người phê bình. Tác giả có nhiệm vụ phải trả lời từng câu hỏi một, từng điểm phê bình một, và trả lời một cách lịch sự. Nếu tác giả không đồng ý với người bình duyệt, tác giả có quyền nói thẳng. Thông thường, sau khi trả lời bình duyệt, bài báo phải có sửa đổi, và tác giả phải thông báo cho ban biên tập biết những chỗ nào đã thay đổi và tại sao thay đổi.

Khoa học là một môi trường hoạt động khá bình đẳng. Công trình của tác giả có người khác bình duyệt, và tác giả cũng có cơ hội bình duyệt công trình của người khác. Thành ra, để giúp đỡ đồng nghiệp và để tự mình cải tiến, tác giả nên nhận lời bình duyệt CTNC của các đồng nghiệp. Nếu cảm thấy học hỏi được một vài điều từ việc trả lời phê bình của người khác, tác giả cũng có thể học hỏi nhiều điều từ việc đọc và phê bình công trình của đồng nghiệp. Qua đọc và xem xét cẩn thận, tác giả sẽ cảm thấy mình trưởng thành và thoải mái với các nguyên lý và sự sắp xếp của các lý giải trong một bài báo khoa học. Làm người bình duyệt là một hình thức tự mình nâng cao kỹ năng nghiên cứu: nhận dạng nhầm lẫn của người khác cũng có nghĩa là nâng cao kỹ năng nhận dạng nhầm lẫn của chính mình.

Ai trong chúng ta cũng muốn là tác giả của những bài báo khoa học tốt, những bài báo mà chúng ta có thể tự hào và hy vọng sẽ được trích dẫn nhiều, được lưu truyền lâu trong tương lai. Tuy nhiên, dù chúng ta có cẩn thận mấy, và bất kể bao nhiêu lần chúng ta đọc đi đọc lại, rà soát, xác suất bài báo có ít nhất là một sai lầm hay lỗi nhỏ đều rất cao. Một cá nhân rất khó mà phát hiện tất cả các lỗi lầm của chính mình. Điều đó có nghĩa là tác giả cần đồng nghiệp, những người đọc và phê bình một cách nghiêm túc và thành thật. Tác giả cần phải bỏ tính tự ái, và không nên sợ hãi trước những phê phán. Theo kinh nghiệm của người viết bài này, những phê phán của đồng nghiệp, dù lớn hay nhỏ, dù gay gắt hay thân thiện, lúc nào cũng giúp cho bài báo trở nên hoàn hảo hơn.

Phần đầu, tôi đã nêu ra vài lý do tại sao cần phải công bố báo cáo khoa học trên các diễn đàn khoa học quốc tế, ở đây tôi muốn nói thêm một lý do quan trọng hơn. Việc công bố báo cáo khoa học trên các diễn đàn khoa học quốc tế là một cách không chỉ nâng cao sự hiện diện, mà còn nâng cao năng suất khoa học của quốc gia đó. ở phương Tây, người ta thường đếm số lượng và số lần trích dẫn bài báo khoa học mà các nhà khoa học công bố trên tạp chí khoa học để đo lường và so sánh hiệu suất khoa học giữa các quốc gia. Hiện nay, trong bất cứ lĩnh vực nào, phải nhìn nhận một thực tế là hiệu suất khoa học của nước ta chưa cao. Phần lớn các CTNC tại nước ta chỉ được kết thúc bằng những buổi nghiệm thu hay luận án. Đối với hoạt động khoa học, cho dù công trình đã được nghiệm thu hay đưa vào luận án, nếu chưa được công bố trên các diễn đàn khoa học quốc tế thì công trình đó coi như chưa hoàn tất, bởi vì nó chưa qua “thử lửa” với môi trường rộng lớn hơn.


Để kết thúc bài viết này, tôi xin mượn một câu nói của Khổng Tử: “Nếu dùng ngôn ngữ không đúng, thì những gì được phát biểu sẽ bị hiểu sai; nếu những gì phát biểu bị hiểu sai, thì những gì cần phải làm sẽ không thực hiện được; và những gì không thực hiện được, đạo đức và nghệ thuật sẽ trở nên tồi tệ hơn”. Và tôi cũng có thể thêm rằng, nước nhà sẽ thiệt thòi hơn.

http://sinhhoc.blogspot.com Theo TC Hoạt động khoa học

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

video hai huoc