Nông dân thế giới bước đầu đẩy lùi được tập đoàn Monsanto
Các thành viên phong trào "Occupy" biểu tình tại miền Trung Tây Hoa Kỳ, chống Monsanto, trong thời gian hội thảo khu vực của phong trào "Occupy the Midwest", tại St. Louis, Missouri, 16/03/2012.
REUTERS/Sarah Conard
Đối với người Việt Nam, tên tuổi tập đoàn Mỹ Monsanto được gắn liền với chất độc màu da cam do quân đội Mỹ sử dụng trong thời kỳ chiến tranh. Nhưng ở những nơi khác, từ châu Âu đến châu Mỹ La Tinh, thông qua châu Phi và Ấn Độ, hàng ngàn nông dân đã nổi dậy chống lại Monsanto và các sản phẩm biến đổi gen (OGM) do họ làm ra. Theo báo cáo của một tập hợp những tổ chức phi chính phủ công bố hôm qua 04/04/2012, giới làm nông đã bước đầu thành công.
Trong bản báo cáo dài khoảng 40 trang, ba hiệp hội Những Người bạn của Trái đất - Quốc tế, Via Campesina, và Chống Monsanto, đã vui mừng ghi nhận, các cố gắng không mệt mỏi của nông dân khắp nơi đã thuyết phục được nhiều nhà hoạch định chính sách là cần phải điều tiết tốt hơn ngành công nghiệp thực phẩm.
Lý do, theo các tổ chức phi chính phủ này, là : « Nơi nào có bàn tay của Monsanto, là nơi đó các hạt giống địa phương bị biến thành bất hợp pháp, tính chất đa dạng sinh học bị mất đi, đất đai bị ô nhiễm, nông dân và tá điền bị nhiễm độc, bị liệt vào diện tội đồ, bị trục xuất khỏi mảnh đất của họ. »
Với những lời chứng cụ thể, tài liệu đã kể lại các cuộc chiến đấu gần đây chống lại nhà cung cấp hàng đầu thế giới hiện nay về hạt giống chuyển gen OGM. Được thành lập từ năm 1901, trước đây Monsanto đã từng nổi tiếng xấu vì các hóa chất nông nghiệp nguy hại đến sức khỏe như chất DDT, hoặc các thành tố của chất độc da cam, một loại thuốc khai quang được quân đội Mỹ sử dụng tại Việt Nam, gây hại đáng kể cho môi trường cũng như sức khỏe con người.
Bản tóm lược nội dung báo cáo nêu bật : "Báo cáo này chứng minh rằng sự phản đối mạnh mẽ của các phong trào xã hội và các tổ chức xã hội dân sự có tác động đến giới hoạch định chính sách, có trách nhiệm giám sát lĩnh vực lương thực, thực phẩm và ban hành các quy định về thuốc trừ sâu và các cây trồng chuyển gen".
Tại châu Âu, phần lớn dư luận vẫn còn chống lại việc sản xuất thực phẩm từ hạt giống chuyển gen. Nhưng ở các nước đang phát triển hay đang trỗi dậy, công cuộc đấu tranh khó khăn hơn. Cho dù vậy, phong trào nông dân tại các nước đó cũng đạt được một số thành công : chẳng hạn như quyết định cấm cà tím biến đổi gen BT, phiên bản của loại rau quả căn bản này ở Ấn Độ, hoặc là việc bác bỏ quà tặng bao gồm các hạt giống lai tạo ở Haiti, sau khi người dân rầm rộ động viên nhau phản đối, vì lo ngại đất nước bị mất chủ quyền lương thực.
Tại Guatemala, các mạng lưới chống OGM, đã cảnh báo công luận về một số dự luật và khả năng thông qua các chương trình phát triển của Hoa Kỳ khuyến khích việc phổ biến hạt giống chuyển gen trong nước.
Tại châu Phi, một Liên minh vì Chủ quyền Thực phẩm đang khuyến khích các nước không theo gương của Nam Phi, vốn đã áp dụng công nghệ OGM "bất chấp thực tế là các giống cây chuyển gen có liên can không kháng được hạn hán hoặc úng lụt", như từng được quảng cáo.
Tuy nhiên, dù đã giành được một số thành công như kể trên, cuộc đấu tranh của nông dân vẫn phải tiếp diễn vì các đại tập đoàn như Monsanto không hề chịu bó tay. Bản báo cáo lên án "một cuộc tấn công chưa từng thấy của giới kinh doanh nông nghiệp dưới chiêu bài « nền kinh tế xanh mới », sẽ được thúc đẩy nhân hội nghị thượng đỉnh Rio+ 20 vào tháng Sáu tới đây.
Một ví dụ cụ thể tại Pháp. Vào giữa tháng Ba 2012 vừa qua, chính phủ Pháp đã quyết định tạm thời cấm trồng loại bắp ngô chuyển gen Monsanto – ký hiệu MO 810, để « bảo vệ môi trường ». Thế nhưng không đầy 2 tuần sau, ngày 29/03, các hiệp hội sản xuất bắp ngô chủ chốt tại Pháp đã đệ đơn kiện để đòi hủy bỏ nghị định nghiêm cấm do chính phủ ban hành, viện lẽ rằng quyết định đó không có cơ sở khoa học vững chắc.
Mai Vân
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét