Động vật học không xương sống
Động vật học không xương sống | |||||||||||||||
| |||||||||||||||
| |||||||||||||||
Giáo trình Động vật học không xương sống đối với trường Cao đẳng Sư phạm vừa là giáo trình cơ sở giúp sinh viên tiếp thu một lĩnh vực của Sinh học, vừa là nội dung trực tiếp giảng dạy ở Trung học cơ sở. Để đảm bảo yêu cầu của một giáo trình cơ sở, đối với một đối tượng đa dạng chiếm hầu hết giới động vật (chỉ trừ 2 ngành Nửa dây sống và Có dây sống) và rải trên nhiều cấp độ tổ chức, chúng tôi trình bày các đặc điểm cơ bản về cấu tạo, chức năng và hệ thống đặc trưng cho từng Ngành hoặc từng Lớp động vật. Các đại diện chọn làm ví dụ chỉ để chứng minh cho các đặc điểm cơ bản đó. Tác giả hi vọng rằng nắm vững kiến thức cơ bản và khái quát của một số không lớn các Ngành và các Lớp Động vật không xương sống sẽ là hành trang tối thiểu cần thiết, giữ vai trò định hướng và phát huy tư duy độc lập của giáo sinh trong cuộc đời hành nghề tương lai, khi phải giải quyết những vấn đề liên quan đến sự biểu hiện muôn màu muôn vẻ của giới động vật trong tự nhiên. Để đảm bảo yêu cầu của một giáo trình mà nội dung được sử dụng trực tiếp trong giảng dạy ở Trung học cơ sở, chúng tôi đã cố gắng sử dụng nhiều đại diện có ở nước ta làm dẫn chứng và có đánh giá tầm quan trọng lí thuyết và thực tiễn của từng nhóm động vật. Nội dung và phương pháp trình bày nhằm phát huy năng lực tự học, tự tìm tòi của người học trong thiên nhiên đa dạng và trong vốn kiến thức phong phú đã được tích lũy trong các tài liệu viết ở trong và ngoài nước. Mở đầu mỗi chương và mỗi bài thực hành đều có mục tiêu để người học có thể chủ động thực hiện yêu cầu của phần đó. Kết thúc từng chương có phần tóm tắt nội dung, câu hỏi và các tài liệu đọc thêm nhằm giúp người học nắm vững và mở rộng kiến thức. Giáo trình có hai phần: phần lí thuyết và phần thực hành. Xuất phát từ yêu cầu phát huy tiềm năng của người học, trong nội dung thực hành, ngoài các bài tiến hành trực tiếp trên các động vật đại diện còn có các bài đề cập tới cơ sở vật chất cần thiết cho thực hành động vật (bài Mở đầu), tổ chức góc sinh giới (bài 4) và thực tập ngoài thiên nhiên (bài 10) để sinh viên có thể biết cách tổ chức và chủ động tìm hiểu sinh học của các loài đại diện. Mỗi bài thực hành đều có nội dung bắt buộc và nội dung mở rộng. Phần chuẩn bị dụng cụ, mẫu vật từ thiên nhiên Việt Nam và các thao tác thực hành đã được quan tâm đặc biệt nhằm chuẩn bị tiềm lực cho người học thực hiện chương trình thực hành ở Trung học cơ sở. Khi sử dụng phần lí thuyết người học có thể dùng thêm các hình vẽ về các đối tượng đại diện được giới thiệu trong phần thực hành và ngược lại. Về mặt thuật ngữ, chúng tôi mạnh dạn dùng các thuật ngữ tiếng Việt để thay thế cho các thuật ngữ Hán Việt trước kia vẫn dùng. Trong trường hợp chưa tìm được thuật ngữ tiếng Việt thích hợp chúng tôi tạm dùng các thuật ngữ đã quen dùng từ trước hoặc dùng tiếng La tinh. Một số thuật ngữ hiện chưa thống nhất, chúng tôi có ghi chú thêm tiếng Anh ở lần đầu sử dụng cũng như việc ghi chú tên khoa học đối với các đơn vị phân loại. Trong mục Tài liệu đọc thêm sau mỗi chương, chúng tôi chỉ giới thiệu các tài liệu dễ kiếm, phần lớn mới xuất bản, có nhiều khả năng hiện hữu trong thư viện các trường Cao đẳng Sư phạm. Hình vẽ trong sách chủ yếu là các hình vẽ lại hoặc ghép lại từ nhiều nguồn, được ghi cụ thể trong phần Nguồn hình ở cuối sách. Trong quá trình biên soạn giáo trình này, chúng tôi được sự giúp đỡ nhiệt tình của các bạn đồng nghiệp ở bộ môn Động vật học của các trường Đại học Sư phạm, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội); Cao đẳng Sư phạm Hải Dương; Phân viện nghiên cứu biển Hải Phòng... và các góp ý bổ sung của GS. TSKH. Đặng Ngọc Thanh. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn. Phân công biên soạn giáo trình này: Thái Trần Bái: Phần lí thuyết Nguyễn Văn Khang: Phần thực hành. Trong giáo trình không khỏi còn những thiếu sót về nội dung cũng như về trình bày, chúng tôi rất mong được các bạn đọc góp ý kiến. Các tác giả |
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét