SỬ DỤNG TINH BÒ ĐÃ PHÂN TÁCH (SEXED SEMEN) – THÀNG CÔNG VÀ HƯỚNG ỨNG DỤNG
Ba,
Thứ
30
Hàng ngàn năm nay, các chủ trại chăn nuôi đều mơ ước có một phương pháp để sản xuất ra gia súc có giới tính theo mong muốn. Đối với chăn nuôi bò sữa, người chăn nuôi luôn mong muốn có bê cái. Trong khi với chăn nuôi bò thịt, người chăn nuôi lại mong muốn có bê đực. Một bê cái hướng sữa tốt sẽ có giá trị kinh tế cao hơn 50-100% so với bê đực hướng sữa trong cùng điều kiện. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi người chăn nuôi bò sữa luôn muốn có phương pháp để chỉ sản xuất ra những con bê cái hướng sữa. Điều này ngày này trở thành hiện thực nhờ phương pháp phân tách tinh trùng mang nhiễm sắc thể X và Y đã thành công vào những năm 1990 (Johnson, 1991-1992-1994-1995; Cran và ctv, 1993-1995-1997; Abeydeera và ctv, 1998).
Hiệu quả kinh tế (Seidel 2003), khả năng ứng dụng (Hoheboken, 1999 và Weigel, 2004) và thương mại hóa (Amann, 1999) của các loại tinh dịch đã được phân tách tinh trùng X hay Y cũng được báo cáo khá nhiều trên thế giới. Các báo cáo gần đây đã trình bày nhiều kết quả sử dụng loại tinh dịch phân tách tinh trùng X và Y này trong ngành chăn nuôi bò (Seidel, 2002-2003; Weigel, 2004; Foote, 1996; Johnson, 1999-2000; Garner, 2001; Hasler và ctv, 1995; Hunter, 2003), cũng như đánh giá việc sử dụng các loại tinh này trong gieo tinh nhân tạo (Cran, 1997; Morrel, 1991; Seidel, 1999; Bodmer và ctv, 2005; Schenk, 2005) hoặc sản xuất phôi bò in vitro (Cran, 1993-1995; Lu và ctv, 1999; Zhang và ctv, 2003; Lu và Seidel, 2004; Fischer và ctv, 2005; Wilson và ctv, 2005). Sử dụng tinh dịch đã phân tách tinh trùng có nhược điểm là tỷ lệ thụ thai thấp hơn (Seidel, 1999). Tuy nhiên, khi nâng số lượng tinh trùng (đã phân tách X và Y) trong 1 liều tinh dịch ngang bằng với loại tinh không phân tách thì tỷ lệ thụ thai đã được cải thiện đáng kể (khoảng 60-80% so với sử dụng tinh dịch không phân tách) (Seidel, 1999; Doyle và ctv, 1999). Nhược điểm này là do khả năng sống của tinh trùng đã phân tách bị giảm thấp sau khi bảo quản lạnh (Schenk, 1999).
Trong khi đó, từ những năm 2007-2008, thời điểm tinh bò phân tách bắt đầu nhập về Việt Nam, Phòng Công nghệ sinh học (Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam) đã nghiên cứu thử nghiệm thành công sản xuất phôi bò in vitro xác định trước giới tính, nhằm sử dụng tinh bò phân tách chỉ chứa tinh trùng mang nhiễm sắc thể X để sản xuất ra phôi bò cái hướng sữa. Sự khác biệt cơ bản của kỹ thuật cấy truyền phôi so với gieo tinh nhân tạo là chỉ sử dụng nguồn nguyên liệu (trứng và tinh trùng) từ những con bò cao sản tốt nhất trong đàn, nên sẽ tạo nhanh và nhiều phôi, bê cái có tiềm năng sản xuất sữa rất cao. Đây là điều mà các nước chăn nuôi bò sữa phát triển đang tích cực áp dụng để nhân nhanh số lượng bò sữa cao sản của mình, giúp cải thiện nhanh chóng năng suất sữa bình quân của toàn đàn. Chính vì vậy, hướng nghiên cứu ứng dụng tinh đã phân tách kết hợp với trứng của những con bò cao sản nhất trong đàn để sản xuất phôi in vitro và tạo ra bê cái hướng sữa cao sản là rất cần thiết. Đó cũng là lý do, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM quyết định đầu tư kinh phí cho đề tài “Sử dụng tinh đã phân tách để tạo phôi bò in vitro xác định trước giới tính” do Phòng Công nghệ sinh học (Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam ) chủ trì thực hiện từ năm 2011.
Người viết: TS. Chung Anh Dũng
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét